Giao dịch USD ế ẩm

4 07 2012

Lãi suất VNĐ tiếp tục giảm, nhu cầu ngoại tệ không cao, tỉ giá biến động không đáng kể và thị trường vàng ổn định… là những yếu tố làm cho giao dịch USD trong thời gian gần đây rơi vào tình trạng ế ẩm.

Tỉ giá diễn biến tích cực

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu nước ta đạt 53,13 tỉ USD, nhập khẩu đạt 53,81 tỉ USD, tính ra nhập siêu hơn 0,68 tỉ USD, chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm 2011 là 6,65 tỉ USD.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá USD bán ra của các ngân hàng (NH) thương mại đã giảm 36 đồng/USD, từ 21.036 đồng/USD (ngày 2-1) xuống còn 20.900 đồng/USD. Khoảng cách giữa giá mua vào với giá bán ra chỉ 30-50 đồng/USD.
 

Theo giới phân tích, ngoài yếu tố xuất nhập khẩu, tỉ giá diễn biến tích cực còn là kết quả của việc NH Nhà nước áp trần lãi suất tiền gửi USD không quá 2%/năm đối với cá nhân và 0,5% đối với tổ chức, trong khi lãi suất tiền gửi VNĐ là 9%-12%/năm.

Do tỉ giá gần như ổn định, NH Nhà nước xử phạt rất nặng các giao dịch USD trái phép, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD và VNĐ quá lớn nên người dân không những không mua USD mà còn bán ra, làm cho cung USD tăng lên.

Trong khi đó, đầu ra của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thấp, làm giảm cầu ngoại tệ. Mặt khác, NH Nhà nước đã bỏ ra 180.000 tỉ đồng để mua 9 tỉ USD và sẵn sàng can thiệp thị trường khiến giới đầu cơ không dám bỏ vốn vào USD.

Không “mặn” với ngoại tệ

Nhiều ý kiến cho rằng yếu tố cốt lõi làm cho tỉ giá ổn định là các chính sách liên quan đến ngoại tệ đã phát huy tác dụng. Theo đó, từ đầu tháng 5-2012, DN phải chứng minh có nguồn thu ngoại tệ mới được vay USD. Riêng DN xuất khẩu cần tiền để mua nguyên liệu sản xuất trong nước vẫn được phép vay USD nhưng phải bán số ngoại tệ đó cho NH.

Còn DN không đủ điều kiện vay ngoại tệ phải vay VNĐ, rồi mua ngoại tệ của NH để thanh toán tiền mua hàng hóa từ nước ngoài. Đến hạn trả nợ, DN không phải “vắt chân lên cổ” để mua USD nữa, vì vậy thị trường ngoại tệ không còn căng thẳng như các năm trước, tỉ giá không có cơ hội tăng đột biến.

Lãnh đạo một số NH phân tích: Lãi suất cho vay VNĐ đối với các DN thuộc đối tượng ưu tiên đã xuống còn 12%-13%/năm, lãi suất cho vay bằng USD phổ biến 7%-8%/năm, chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và VNĐ không quá lớn nên DN đã chuyển dần qua vay vốn bằng VNĐ, làm cho cầu USD càng ít hơn.

Tuy thị trường ngoại tệ thường sôi động vào cuối năm nhưng nhiều chuyên gia tài chính dự báo từ nay đến hết năm 2012, tỉ giá biến động không đáng kể. Theo ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng Phòng Kinh doanh trái phiếu và Các sản phẩm hoán đổi lãi suất của NH HSBC Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào thời điểm cuối năm tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên tỉ giá; tuy nhiên, với việc giảm thâm hụt cán cân thương mại, nguồn cung khá dồi dào từ vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối, dự trữ ngoại hối tăng mạnh nên dự đoán vào cuối năm, tỉ giá sẽ dao động trong khoảng 21.400-21.500 đồng/USD, tức tăng khoảng 2,4% so với thời điểm đầu năm 2012.

Hành động

Information

Bình luận về bài viết này